HÌNH
PHẠT
Cuối giờ học tôi phải ở
lại. Khi các học sinh khác đã ra khỏi lớp thì thầy giáo bước xuống và đứng ngay
trước mặt tôi.
-“Tại sao?” Thầy giáo
nói.
- Tôi không hiểu thầy nói
gì.
-“Tôi biết cha em vừa mới
bị bắn chết, tôi biết nỗi đau đó, nhưng có những thứ em không được nói thẳng ra
trong câu chuyện của mình.”
Thầy nói trong khi thầy không dám nhìn vào tôi. Thầy dựa vào bàn và nhìn về phía có những dãy núi mờ sương xa xôi ngoài cửa lớp.
-“Cả lớp muốn nghe về cái chết của cha em, và chúng ta đã cho cả lớp được biết. Nhưng ngay từ đầu tôi đã nói em không được phép nhắc đến cái danh từ Trung Quốc. Em thấy đấy, lẽ ra em nên nói rằng: “Đó là con tàu lạ xả súng vào ngực cha tôi.” Thay vì nói câu đó, em đã hét lên ngay trong lớp học: “Tàu Trung Quốc, lũ khốn.”
Thầy nói trong khi thầy không dám nhìn vào tôi. Thầy dựa vào bàn và nhìn về phía có những dãy núi mờ sương xa xôi ngoài cửa lớp.
-“Cả lớp muốn nghe về cái chết của cha em, và chúng ta đã cho cả lớp được biết. Nhưng ngay từ đầu tôi đã nói em không được phép nhắc đến cái danh từ Trung Quốc. Em thấy đấy, lẽ ra em nên nói rằng: “Đó là con tàu lạ xả súng vào ngực cha tôi.” Thay vì nói câu đó, em đã hét lên ngay trong lớp học: “Tàu Trung Quốc, lũ khốn.”
Lỗi không là của tôi.
Lỗi không thuộc về tôi. Lỗi thuộc về con tim đang rỉ máu của tôi. Cha tôi giờ
này đang làm gì dưới huyệt mộ? Giờ này, có lẽ cha tôi đang ăn cát dưới lòng
huyệt lạnh. Còn tôi, tôi vẫn đứng cuối lớp học. Những con gió lạnh luồn vào cửa
lớp rồi táp thẳng vào mặt tôi. Tôi nhìn lên lá cờ phai màu và những hàng chữ
trên bục giảng rồi tưởng tượng ra bao loài yêu ma đang nhảy múa.
“Và em đã phạm luật.”
Thầy giáo nói. “Hình phạt cho em là gì?” Thầy hỏi tôi.
Tôi cắn lên môi mình để
khỏi bật khóc. Tôi nhớ tới hình ảnh xác cha tôi được đưa về trên manh chiếu cói
vào buổi chiều hôm ấy. Tóc cha tôi bết lại vì máu và nước biển. Khi người đàn
ông có đôi mắt trắng ấy tới nhà để gọi hồn cha tôi trở về thì mẹ tôi đã ngất,
còn em tôi thì đang lấy những ngón tay đút vào tấm ngực nát bét đầy máu của cha
tôi. Tôi không biết có bao nhiêu vết thương trên thi thể cha nhưng tôi biết
chúng đã bắn vào ngực cha tôi trong khi cha tôi đang đuổi theo đàn cá ngoài
khơi.
“Em thử nghĩ ra hình
phạt thích đáng cho em đi, nào, bắt đầu.” Thầy lại nói xen vào những hình ảnh
đang hiện lên trong đầu tôi.
Tôi không nói, tôi đang nhớ tới tiếng gọi hồn cha tôi của người đàn ông mù ấy: “Hồn ơi, hãy băng qua những con sóng ấy, hãy vượt khỏi trùng dương tanh mùi máu để về đây. Hồn ơi, về với xác...”
Trong đám tang của cha,
mẹ tôi đã rống lên: “Trung Quốc...” nhưng bà ngoại tôi đã lao tới bịt miệng mẹ
tôi một cách kịp thời. Rồi mẹ tôi vẫn gào lên nhưng bà gào lên những âm thanh
không rõ nghĩa. Chúng tôi đưa cha ra cồn cát có bãi phi lao và cha đã nằm lại ở
đó cùng với tổ tiên mình. Những cơn gió biển sẽ ru linh hồn cha tôi ngủ ngon
dưới lòng huyệt lạnh.
“Tối rồi, bắt đầu đi.”
Thầy thét lớn cùng lúc với tia chớp loé lên ngoài trời.
Tôi không thể tự nghĩ ra
hình phạt thích đáng cho mình, nhưng nếu có nghĩ ra tôi cũng sẽ không nói. Lỗi
không thuộc về tôi, lỗi thuộc về con tim non nớt trong lồng ngực tôi.
Trời đổ mưa. Mưa đi. Tôi
lạy trời mưa, mưa sẽ át đi tiếng đập của con tim, tiếng nghiến răng của thầy,
và mưa sẽ tưới mát huyệt mộ cha tôi. Tôi không nhìn thầy, tôi nhìn lên phía
trên bục giảng rồi nhìn những sợi mưa ngoài song cửa sổ.
“Nào.” Thầy rống lên và
bước tới nắm chặt hai tay lên hai bờ vai của tôi. Thầy lắc mạnh khiến thân hình
tôi run rẩy. Thầy ngồi xuống ngay trước mặt tôi, mặt thầy gần như chạm vào mặt
tôi. “Nhìn tôi.” Thầy nói. “Nhìn thẳng vào mắt tôi.” Thầy nói. Đôi mắt của thầy
bắt đầu chuyển sang màu đỏ. Tôi sợ vô cùng những đôi mắt màu đỏ. Khi tôi nhắm
mắt để không còn nhìn thấy đôi mắt của thầy thì thầy đứng phắt lên. “Được. Được
rồi. Bây giờ thế này, nhìn lên tôi...” Thầy hét lên rồi dùng hai bàn tay thô
ráp của thầy túm lấy đầu tôi và bẻ ngược mặt tôi. Thầy nhìn thẳng vào tôi. “Bây
giờ em hãy nói cái danh từ Trung Quốc cho tới khi nào em quên được nó thì thôi,
nói cho tới khi nào em quên được nó và thề là sẽ không bao giờ nhắc tới nó
trong câu chuyện về cái chết của cha em nữa. Bắt đầu, bắt đầu đi.”
Chớp cùng với mưa đang
gào rú ngoài trời. Tôi nhớ cha và tôi đang hình dung rằng giờ này mẹ tôi đang
đơm một bát cơm đầy, cắm ba nén nhang vào đó và đặt lên bàn thờ cha tôi rồi
ngồi đợi tôi về trong tiếng rỉ rích của đêm.
“Trung Quốc... Bắt đầu
nào.” Thầy nói.
Tôi không nói. Người
thầy lại run lên vì tức giận và có thể là cả vì sợ hãi.
“Trung quốc... Nào,
chúng ta bắt đầu từng chữ một, chậm thôi và đừng nói lớn quá.” Thầy nói và nhìn
ra cửa lớp.
“Em câm à, không nói
được sao. Nói. Nói đi. Nói cho tới khi quên được.” Thầy gần như bất lực trước
tôi. Rồi thầy quỳ xuống ngay trước mặt tôi. Người thầy run lên. “Tôi xin em.
Nào, nói đi. Lạy em đó. Em hãy nói cho tới khi nào em quên được nó.”
Thầy khóc và rồi tôi
khóc. Tôi không thể đứng trong khi thầy đang quỳ, tôi cũng quỳ xuống trước mặt
thầy, và rồi tôi bắt đầu nói: “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc,
Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung
Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc...” Tôi và thầy cùng quỳ với nhau trong lớp học.
Mặc kệ ngoài kia mưa gió, chúng tôi quỳ gối và cùng nói. Chúng tôi sẽ nói cho
tới khi nào chúng tôi quên đi cái danh từ ám ảnh ấy. Cái danh từ đã trùm lên
những hơi thở yếu nhược của chúng tôi trong đêm.
Mưa gió tối nay sẽ che
chở cho tiếng của tôi và thầy không vang đi xa: “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung
Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc,
Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung
Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc,
Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc...”
Tôi và thầy cùng nói cho
tới khi tôi không còn nói được nữa. Tôi thương thầy tôi. Thầy vẫn quỳ trước mặt
tôi nhưng tôi nghĩ rằng thầy đang quỳ trước một điều gì đó khủng khiếp, một nỗi
ám ảnh nào đó buộc hai chúng tôi phải quỳ xuống.
“Dừng lại đi. Đừng nói
nữa. Em quên được chưa?”
“Không, em không quên
được.” Tôi nói.
“Tôi cũng không quên
được.” Thầy nói.
Thầy lấy tay lau nước
mắt trên má tôi, tôi cũng nhìn những giọt nước mắt đang chảy trên môi thầy. Mưa
mỗi lúc mỗi lớn. Trời đã tối hẳn.
“Em, em không quên
được.” Tôi nói rồi gào lên. “Em không quên được, thầy ơi. Không thể, không thể,
thầy ơi. Ngực cha em nát ra thầy ạ, và máu, và máu của cha em vẫn chảy ra khi họ
đưa xác ông về, em không thể quên, thầy ơi, không thể...”
Bây giờ thì thầy ôm chầm
lấy tôi. “Thầy cũng sợ em à. Thầy sợ lắm, thầy sợ người ta sẽ đuổi việc thầy,
thầy không có lỗi. Những đứa con của thầy cũng phải sống, phải ăn, phải tới
trường, xin em tha lỗi cho tôi... Nhưng em à, hãy quên, hãy gắng quên cái danh
từ khủng khiếp ấy trong câu chuyện về cái chết của cha em và hãy gắng quên nó
trong mỗi cơn ác mộng của em nữa. Xin em, thôi bây giờ đứng dậy và về đi, trời
tối quá rồi.”
Trên đường về, tôi ngửa
mặt để cho những hạt mưa nhỏ xuống mắt tôi, môi tôi. Tôi há miệng cho tới khi
khi miệng tôi đầy nước. Tôi chạy băng qua cánh đồng. Phía xa kia, phía có những
đốm sáng ấy là làng tôi, một làng chài nhỏ nghèo đói xác xơ, một làng chài nhỏ
với nhiều vết chém trên lưng, trên tóc và cả trong mắt mọi người.
“Cha ơi.” Tôi đứng giữa
đồng không mông quạnh và hét lên. Tôi nhớ cha. “Cha ơi, Trung Quốc, Trung Quốc,
Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung
Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc...”
Nước trắng xoá trong
đêm, mưa mỗi lúc mỗi lớn, và gió táp vào ngực tôi, táp vào cặp sách của tôi.
Tôi quỵ xuống giữa đồng nhưng tôi vẫn rống lớn: “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung
Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc,
Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc...” Tôi rống lên cho
tới khi tôi nằm xuống trên cánh đồng bạc nước. Nước dâng lên tai tôi, nước ngập
mũi tôi. Trong tiếng mưa gió tôi nghe mơ hồ đâu đó tiếng mẹ gọi tôi.
Nhưng tiếng gọi mơ hồ và
yếu ớt lắm.
Cho
tấm thân ô nhục này của tôi
Việt
Nam, ngày lạnh, 18/09/2015
Trần Lệ Linh
Trần Lệ Linh
Nguon : http://www.tienve.org/
Commentaires
Enregistrer un commentaire